Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Real Madrid, Manchester United, Arsenal vẫn có tên trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mà tiền được vung ra hẳn là kỷ lục nhưng hiệu quả còn là dấu hỏi…

Mùa giải 2013/14 kết thúc từ nửa cuối tháng 5 và kỳ chuyển nhượng mùa Hè chính thức mở cửa khi bước sang tháng 6. Trong thời điểm diễn ra World Cup 2014, đã có những vụ chuyển nhượng lớn được thực hiện, nhưng mối quan tâm là không quá nhiều khi trái bóng lăn trên sân cỏ Brazil. Chỉ đến sau khi đội tuyển Đức giành chức vô địch thế giới, tất cả lại quay về với diễn biến “thường nhật” của một sự kiện kéo dài tới 3 tháng.


Radamel Falcao đến Man United trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng

3 tháng, khoảng thời gian đủ dài để giới chuyên môn vẫn đánh giá về “chiến lược chuyển nhượng”, phục vụ cho mục đích, mục tiêu và duy trì sức mạnh, duy trì sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu nhìn lại diễn biến chuyển nhượng của những tên tuổi lớn, “chiến lược” là điều gì đó có phần… mơ hồ.

Nói một cách khác, mặc dù vạch ra chiến lược và mục tiêu nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng “xuôi chèo, mát mái”, thế nên, cho đến tận ngày cuối cùng vẫn còn nằm trên… bàn giấy, để những hợp đồng vội vã được ký kết.


Javier Hernandez

Trong mùa Hè này, “mối liên kết” Anh – Tây Ban Nha được chú ý nhiều nhất, với các thương vụ lớn. Đầu tiên là Cesc Fabregas, khi anh một lần nữa chia tay Barcelona để sang Anh. Thực ra là “trở lại” xứ sở sương mù, đích đến vẫn là London nhưng 30 triệu bảng đưa anh tới màu xanh của Chelsea thay vì Arsenal – đội bóng cũ. Và thương vụ cuối cùng là Javier Hernandez từ Manchester United tới Real Madrid theo hợp đồng cho mượn.

Real Madrid, Man United, Arsenal vẫn có tên trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mà tiền được vung ra hẳn là kỷ lục nhưng hiệu quả còn là dấu hỏi… Cả dấu hỏi về chính sách chuyển nhượng mà họ đã thực hiện.


Angel di Maria

Với Quỷ đỏ, chính sách của họ và Louis van Gaal là gì khi đưa về sân Old Trafford tới 4 cầu thủ chạy cánh trái trong sơ đồ 3-5-2 ưa thích của HLV người Hà Lan – Luke Shaw, Angel di Maria, Marcos Rojo, Daley Blind. Sự có mặt của Radamel Falcao trên hàng tiền đạo khiến Manucians phấn khích nhưng Van Gaal sẽ xử lý thế nào với Wayne Rooney và Robin van Persie?

Liệu rằng, ông có sẵn sàng từ bỏ kế hoạch đã xây dựng để hướng sang 4-3-3 vốn quen với người Hà Lan hơn? Vấn đề của Man United lúc này là sự sáng tạo trên hàng tiền vệ và những lỗ hổng ở hàng thủ.


James Rodriguez

Phòng ngự cũng là vấn đề của Real Madrid. Việc đưa thủ môn Keylor Navas về không giải quyết cho vấn đề này. Đành rằng, “tư duy” tấn công được phục vụ với James Rodriguez và Toni Kroos nhưng thất bại 2-4 trên sân Real Sociedad mới đây đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết mà đội bóng Hoàng gia đã không làm. Trớ trêu hơn, họ còn mượn Hernandez từ Man United cho vai trò hỗ trợ Karim Benzema trên hàng công. Dù James Rodriguez cũng được tung hô với vị trí của cầu thủ đắt giá thứ hai mùa Hè chuyển nhượng 2014 (63,5 triệu bảng) thì Kền kền trắng hẳn là phải bay qua một hành trình cực kỳ vất vả để chinh phục La Liga và bảo vệ 2 chiến quả tại Champions League, Cúp Nhà vua.


Alexis Sanchez

Ở Arsenal, Alexis Sanchez từ Barcelona tới nhưng cũng không hẳn giải quyết được vấn đề ghi bàn. Arsene Wenger vẫn “bảo thủ” theo cách của ông. Giáo sư người Pháp vẫn quá tin vào Yaya Sanogo, mặc dù tất cả đều nhìn thấy cầu thủ người Pháp đã được liệt vào danh sách “chân gỗ”. Cho đến khi Olivier Giroud chấn thương nghỉ đến đầu năm 2015, Wenger mới “vớt” từ Man United Danny Welbeck – một cầu thủ cũng chỉ thi thoảng tỏa sáng.


Luis Suarez

Ngoài 3 CLB kể trên, Barcelona cũng cho thấy một chiến lược mới mẻ dưới thời tân HLV Luis Suarez. Một đế chế tiqui-taca coi như đã kết thúc khi Xavi chỉ còn là nhân tố dự bị. Một mình Lionel Messi không thể tạo ra lối đá huyền thoại đó, trong khi những bản hợp đồng mới chắc chắn không để hướng đến thứ bóng đá đó. Các cầu thủ trẻ của lò La Masia không đáp ứng được yêu cầu cho lối chơi đó. Do vậy, điểm nhấn của đội bóng xứ Catalan là Luis Suarez – cầu thủ đắt giá nhất mùa Hè 2014 (70 triệu bảng).

Barca còn có Thomas Vermaelen, Jeremy Mathieu, Ivan Rakitic, Claudio Bravo, Douglas Pereira để tổng chi phí lên tới 120 triệu bảng. Hiếm khi nào Barca chi nhiều tiền đến vậy, nhưng điều đó cũng cho thấy họ cần lấp các vị trí khuyết bằng “người ngoài” thay vì các sản phẩm đào tạo dường như chưa đáp ứng được đòi hỏi.


Bộ ba tân binh của Chelsea đến từ Tây Ban Nha

Manchester City đi quá một mùa Hè cầm chừng về chuyển nhượng vì liên quan tới án phạt của UEFA về Luật tài chính công bằng (chỉ có thương vụ Eliaquim Mangala – 32 triệu bảng, và Fernando cùng từ Porto là đáng chú ý). Nhưng Chelsea thì ngược lại, bởi ngoài Fabregas, Jose Mourinho còn bổ sung Diego Costa, Luis Filipe từ Atletico Madrid, tái nạp Didier Drogba. Chelsea chia tay Frank Lampard, David Luiz, Romelu Lukaku, Demba Ba, Fernando Torres, nhưng họ vẫn rất đáng gờm vì “nẫng” cả Loic Remy trước sự theo đuổi của Arsenal.

Liverpool cũng rất tích cực sau khi bán Suarez. Riêng bộ ba cầu thủ từ Southampton là Rickie Lambert, Adam Lallana và Dejan Lovren đã tiêu hết số tiền họ thu lại từ Barca, trong khi vẫn mua thêm Emre Can, Divock Origi và đặc biệt là Mario Balotelli cho tham vọng chinh phục Premier League lần đầu tiên cũng như trở lại Champions League.


Xabi Alonso

Những diễn biến còn lại ở châu Âu cũng chỉ được nói tới ở một số tên tuổi như Bayern Munich – với Robert Lewandowski, Mehdi Benatia, Xabi Alonso, Pepe Reina, Juan Bernat, là Borussia Dortmund với sự trở lại đáng chú ý của Nuri Sahin, Shinji Kagawa, là Atletico Madrid có thêm Mario Mandzukic, Antoine Griezmann, Guilherme Siqueira.

Tại Italia, trong khi Juventus đầu tư dài hạn cho thương vụ Alvaro Morata là đáng chú ý nhất (15 triệu bảng) thì AC Milan có một mùa chuyển nhượng “kỳ lạ”. Phí chuyển nhượng ở 2 thương vụ Adil Rami và Giacomo Bonaventura chỉ là hoàn thành việc chính thức sở hữu 2 cầu thủ mà họ đã mượn ở mùa giải trước, trong khi những thương vụ còn lại đều mượn hoặc miễn phí - Marco van Ginkel, Jeremy Menez, Diego Lopez, Alex, Torres.


David Luiz

2 gã nhà giàu của Pháp là Paris Saint Germain và AS Monaco lại đi theo 2 hướng. PSG có thêm David Luiz thì Monaco mất đi 2 ngôi sao sáng nhất là James Rodriguez và Falcao.

Thị trường chuyển nhượng mùa Hè đã chính thức khép lại, tất cả các CLB đã có thể chuyên tâm vào chuyên môn, trước khi bổ sung cho những lỗ hổng, vá víu những gì còn thiếu sau đây 120 ngày nữa.

Những bản hợp đồng đắt giá nhất mùa Hè 2014

Thứ tự

Cầu thủ

Từ

Đến

Giá (triệu bảng)

1

Luis Suarez

Liverpool

Barcelona

70

2

James Rodriguez

Monaco

Real Madrid

63.5

3

David Luiz

Chelsea

Paris Saint-Germain

40

4

Diego Costa

Atletico Madrid

Chelsea

35

5

Alexis Sanchez

Barcelona

Arsenal

31.8

6

Luke Shaw

Southampton

Manchester United

30

7

Cesc Fabregas

Barcelona

Chelsea

30

8

Ander Herrera

Athletic Bilbao

Manchester United

29

9

Romelu Lukaku

Chelsea

Everton

28

10

Adam Lallana

Southampton

Liverpool

25

Những vụ chuyển nhượng bất ngờ nhất

Thứ tự

Cầu thủ

Từ

Đến

Giá (triệu bảng)

1

Samuel Eto’o

Everton

Tự do

2

Xabi Alonso

Real Madrid

Bayern Munich

5

3

Javier Hernandez

Manchester United

Real Madri

Mượn

Theo TTHN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét