Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

TT - Trong các phương án một kỳ thi quốc gia nhằm đánh giá tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đều đưa môn ngoại ngữ là môn tự chọn.


Thí sinh sau giờ thi môn Anh văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 - Ảnh tư liệu


Điều này hiện đang có ý kiến trái chiều, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít người phản đối. Cá nhân tôi nghĩ rằng phương án đưa môn ngoại ngữ là môn tự chọn (vốn đã được thực hiện từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014) là không phù hợp với quan điểm phát triển.

Bởi lẽ, mặc dù hiện nay điều kiện học ngoại ngữ ở các vùng miền trong nước còn có khoảng cách, nhưng không vì thế mà yêu cầu về ngoại ngữ ở các vùng hoàn toàn khác nhau, nhất là khi nhu cầu về kỹ năng sử dụng ngoại ngữ ở các vùng đều ngày càng cao.

Một học sinh ở miền núi hay hải đảo có thể hiện tại chưa được học và dạy môn ngoại ngữ một cách tốt nhất, với phương tiện đầy đủ nhất, nhưng khi em đó vào đại học ở một thành phố thì không thể vì em chưa được học tốt môn ngoại ngữ ở phổ thông mà có thể “du di” để em không cần trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn cũng có thể tốt nghiệp đại học.

Khi em ấy ra trường đi làm, nơi làm sẽ đòi hỏi trình độ và bằng cấp ngoại ngữ phù hợp mà bất kể việc em ấy xuất thân ở đâu, có được học ngoại ngữ tốt ở bậc phổ thông hay không...

Như vậy, việc không bắt buộc thi môn ngoại ngữ ở kỳ thi mang tính quyết định tốt nghiệp có thể khiến việc học môn này càng thiếu đầu tư và tập trung hơn, càng làm cho trình độ ngoại ngữ của học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa càng chênh lệch với các đô thị.

Và vì không tập trung dạy tốt môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông, khi học đại học, đi làm, nhiều người phải đi học lại, học thêm ngoại ngữ một cách vất vả hơn do lớn tuổi, do mất căn bản, có thể là sự lãng phí về thời gian và tiền của, đồng thời chắc chắn ảnh hưởng đến việc học chuyên ngành hoặc làm công việc chuyên môn của người đó.

Còn bảo không bắt buộc thi môn ngoại ngữ là để giảm áp lực cho học sinh và cả giáo viên, phụ huynh thì rõ ràng đây là một sự bào chữa kém thuyết phục. Áp lực học tập, thi cử không chỉ có môn ngoại ngữ hay bất kỳ riêng lẻ môn nào, mà chủ yếu là do chương trình dạy - học, kiểm tra - đánh giá chưa thật hợp lý, có tính nhồi nhét, ôm đồm.

Thực tế có nhiều môn học đưa vào nội dung không phù hợp lứa tuổi, không cần thiết và ít nhiều xa rời hiện thực cuộc sống, kiến thức học ít được sử dụng để phục vụ trực tiếp đời sống.

Hay việc kiểm tra - đánh giá còn mang tính buộc phải nhớ hoặc đánh đố mà ít gợi mở sự suy nghĩ, không tạo điều kiện để phát triển năng lực tư duy, nên mỗi lần kiểm tra hay thi cử là một lần vất vả.

Đó mới chính là áp lực chứ bản thân môn ngoại ngữ nếu được dạy phù hợp thì càng kích thích khả năng sử dụng ngôn ngữ nói riêng và khả năng tư duy nói chung.

Từ những phân tích đó, tôi đề nghị đưa môn ngoại ngữ trở lại là môn thi bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015.

Theo đó, kỳ thi nên có năm môn: văn, toán, ngoại ngữ (bắt buộc) và hai môn tự chọn trong số các môn địa lý, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học. Trước mắt chưa nên gộp hai kỳ thi thành một mà cần có lộ trình phù hợp.

Quá trình đó cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo và nhất là của chính học sinh, đồng thời cần có nghiên cứu thấu đáo, khoa học trước khi quyết định.

TRÚC GIANG (Q.3, TP.HCM)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét