Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Đó là đêm Hà Nội không ngủ, khi những người trẻ soi đèn tìm về miền ký ức xưa và cùng nhau tạo nên những hồi ức mới trên chính cây cầu trăm năm tuổi này. Sự kiện mở đầu nằm trong chuỗi 5 sự kiện văn hóa - du lịch của dự án có chủ đề "Ký ức” dự kiến sẽ được tổ chức từ 23h ngày 12-4 tới 6h ngày 13-4 trên chính cây cầu lịch sử Long Biên.



Ảnh: Hoàng Long Lời tự tình của cầu Long Biên Trong chương trình khởi đầu mang tên "Hành trình đi tìm ký ức” diễn ra vào tháng 4 này, hình tượng cây cầu lịch sử cùng với những ký ức sống động nhất sẽ được khắc họa qua hàng loạt hoạt động mới mẻ và độc đáo. Cụ thể, chương trình được thiết kế gồm 3 phần là Gương mặt Long Biên, Long Biên – con người, Long Biên – kí ức lan tỏa. Trong đó, các hoạt động diễn ra xuyên suốt chương trình như triển lãm kí họa "Long Biên – tình yêu còn mãi” sẽ dẫn dắt du khách đến gần hơn với câu chuyện kí ức cây cầu lịch sử ngay từ lúc bước chân lên cầu. 120 bức kí họa – 120 gương mặt Long Biên được khắc họa từ những góc nhìn khác nhau sẽ gợi lên một hình dung phong phú, nhưng lại sống động nhất về gương mặt cầu. Triển lãm tranh khắc giấy chiếu bóng "Những đứa trẻ” lại mượn ý tưởng từ truyện ngắn "Hai đứa trẻ” của Thạch Lam để gợi lên giây phút ngóng chờ thời khắc tàu đến, tàu đi: Khi ánh đèn tàu hỏa lướt qua cũng là lúc câu chuyện lịch sử cầu Long Biên hiện lên như một thước phim gấp. Chương trình du ca, vẽ tranh, ăn uống, sinh hoạt… diễn ra suốt đêm khiến du khách như hòa mình vào thân phận cây cầu. Đặc biệt, những đoạn phim quay chậm trong "Góc máy” sẽ giúp du khách ngắm nhìn một Long Biên khác, và cùng chạm tới gần hơn tâm hồn Long Biên - một tâm hồn vốn được "cảm” bởi những con mắt và trái tim nghệ thuật… Tour du lịch văn hóa "Cầu Rồng kể chuyện” là quãng thời gian được chạm vào từng nhịp cầu, dầm cầu, từng mảng đinh tán cũng sẽ là khoảnh khắc tới gần hơn, tiếp xúc thật hơn với một Long Biên – "con người”, câu chuyện cầu Rồng cũng vì thế sống động hơn, chân thật hơn,… Buổi kể chuyện "Nhìn lại” là những giờ phút chia sẻ với sự tham gia của KTS, nhà văn Nguyễn Trương Quý – tác giả những cuốn sách viết về Hà Nội như: Còn ai hát về Hà Nội, Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Xe máy tiếu ngạo cùng chính những cư dân làng chài, bãi giữa sẽ là những lời tự tình thật và sâu của Long Biên – con người. Và cuối cùng là tiếng nói quen thuộc, thân thương của phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam – Dương Thị Ngân, cùng những bài hát thiết tha về cầu Long Biên, về người và tình Hà Nội sẽ là khúc ca "Chào bình minh” của nhóm dự án muốn gửi đến những người yêu Hà Nội, yêu cầu Long Biên. Đó sẽ là khúc ca đánh thức ngày mới, đánh thức cả thành phố Hà Nội và đánh thức một tương lai mới cho Long Biên,… Người trẻ hành động Một nhóm những người trẻ hiện đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và lịch sử tới từ nhiều nhóm hoạt động văn hóa - nghệ thuật khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Tôi Xê Dịch, Lần Hồi, Kể Chuyện, CLB Kiến trúc Phương Đông, Du ca… đã tập hợp nhau lại để cùng thực hiện dự án "Đêm trắng cầu Long Biên”. Họ hoạt động phi lợi nhuận dưới sự cố vấn, hỗ trợ của các chuyên gia hiện đang làm việc trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và lịch sử như: KTS Nguyễn Nga, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng,... Hoàng Thắng, đại diện của nhóm dự án cho biết nhóm dự định sẽ tổ chức các tour du lịch - văn hóa định kỳ mỗi tháng một lần ngay trên cầu Long Biên bắt đầu từ tháng 4-2014, chuẩn bị cho Festival Cầu Long Biên 2014 với chủ đề Cầu Long Biên - Lễ hội văn hóa các dân tộc sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 năm nay. Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, thành viên Phạm Thanh Tùng nói: "Chúng tôi mong muốn thúc đẩy trao đổi văn hóa, khuyến khích những người trẻ đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, giúp người trẻ hiểu hơn về văn hóa truyền thống của đất nước mình, Qua đó tạo ra một cầu nối văn hóa giữa thế hệ trẻ hôm nay và truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn có của dân tộc Việt Nam”. "Đêm trắng cầu Long Biên” có thể trở thành điểm sáng trong cộng đồng những người yêu văn hóa hay không còn phải chờ xem. Nhưng nỗ lực của những người trẻ muốn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt với những nhân chứng lịch sử sống động như cây cầu Long Biên trăm tuổi thực sự là điều đáng ghi nhận. Bảo Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét